“Giấc mơ” của người La Hủ

05:08 AM 05/06/2010 |   Lượt xem: 2924 |   In bài viết | 
Bao nhiêu chiếc lá vàng khô, mục rụm trở về với nơi nó đã sinh ra, là bấy nhiêu bàn chân du canh, du cư của người La Hủ đã bước qua. Cứ thế, ngàn đời đói nghèo lại nối tiếp nghèo đói, vất vả chồng chất, quanh năm chỉ quen với củ mài, củ sắn. Đứng trong một ngôi nhà vừa mới dựng xong, Thượng tá Phan Hồng Minh, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Lai Châu, “Tổng chỉ huy chiến dịch” làm nhà Đại đoàn kết bản Là Si, xã Thu Lũm chỉ tay về phía các chỏm núi xa xa nói: “Đấy là chỗ ở cũ của đồng bào La Hủ. Họ sống trong những chiếc lán tạm. Cả bản Là Si, đếm trên đầu bàn tay chỉ có vài người biết nói tiếng Kinh bập bẹ. Còn lại, hỏi thì chỉ trả lời: “Mà sì pứ - không biết”. Trẻ con không đến trường, bệnh tật, ốm đau - mặc. Không điện, không đường... tất cả đều không!...”.

Trưởng bản Là Si, Lì Mò Giá, 39 tuổi, ngồi kể lại với chúng tôi về nỗi khổ của người La Hủ: “Dân bản nghèo lắm cán bộ à! Làm không đủ ăn, bữa có củ mài, củ khoai sọ và ít măng là may mắn lắm. Là Si đói kinh niên. Trẻ con thì nheo nhóc, không được đi học, quần áo không có, tối đến chỉ biết đốt đống lửa to để nằm bên sưởi ấm. Sáng đến lại vào rừng kiếm cái gì có thể ăn được. Khổ hơn là khi trong bản có người ốm đau, bệnh tật, chỉ biết nằm vậy. Vì nếu chuyển ra trung tâm y tế xã để cứu chữa thì càng “chết” hơn, vì người khỏe leo núi 4-5 tiếng đồng hồ còn khó, huống gì là người bệnh”. Mò Giá ngừng giọng, thở dài, cầm điếu thuốc lào châm lửa ghé miệng rít một hơi rồi tâm sự tiếp: “Từng đêm, tôi cứ nằm mơ dân bản có được cái ăn, cái mặc và sống trong một ngôi nhà vững chắc, ấm cúng không sợ mưa, sợ gió nữa! Tôi cứ mơ vậy thôi chứ không biết bao giờ mới có thực?”.

Không phải là ông Bụt trong chuyện cổ tích biến giấc mơ của người La Hủ trở thành hiện thực, mà Đảng, Nhà nước, BĐBP đã quan tâm đầu tư cho người La Hủ ở Là Si, nhằm nâng cao nhận thức và đời sống của bà con nơi đây. Cuối năm 2008, thực hiện đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” BĐBP Lai Châu đã triển khai kế hoạch dựng 18 ngôi nhà cho đồng bào La Hủ ở bản Hà Si - Hà Nê, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè. Nhà được dựng kiên cố, vững chắc, mái lợp tôn, khung gỗ, thưng tôn quanh. Sau một năm, Hà Si - Hà Nê đã đổi khác. Người dân nơi đây biết khai hoang ruộng, nương để trồng trọt và chăn nuôi. Trẻ em, dân bản được đi học để biết cái chữ. Hiện nay, bản Hà Si - Hà Nê có một lớp xóa mù chữ, một lớp mầm non và một lớp tiểu học. Tổ công tác gồm 10 cán bộ, chiến sĩ của Đồn BP Pa Ủ cắm bản nhằm hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác và chăn nuôi phát triển kinh tế. Y sĩ của đồn cũng được tăng cường đóng ở bản để làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Vùng đất mới Hà Si - Hà Nê dần đi vào ổn định, mở ra một hướng đi mới cho vùng đất này.

Dựa trên kết quả đạt được của năm 2008, năm nay, BĐBP Lai Châu tiếp tục tổ chức “chiến dịch” lớn làm nhà Đại đoàn kết cho đồng bào La Hủ ở ba điểm: Hà Si - Hà Nê (xã Pa Ủ), Là Si (Thu Lũm), Là Si (Ka Lăng). Ở điểm Hà Si – Hà Nê, do 9 hộ còn lại chưa chuyển về và 4 gia đình xin tách hộ riêng, nên được làm thêm 14 nhà. Còn Là Si, Thu Lũm và Là Si, Ka Lăng thì làm mới toàn bộ. Là Si, xã Thu Lũm có 21 hộ, 102 khẩu, làm 23 ngôi nhà. Là Si, xã Ka Lăng có 18 hộ, 100 khẩu, làm 20 nhà. Mỗi bản đều có nhà văn hóa, lớp dạy học và nhà của đội công tác cắm bản. Mỗi ngôi nhà được đầu tư 20 triệu đồng, cùng công sức của gần 400 cán bộ, chiến sĩ biên phòng và hàng trăm nghìn ngày công hỗ trợ vận chuyển vật liệu vào nơi làm nhà của nhân dân. Hiện tại 100% người dân đã chuyển về ở tại điểm bản mới.

Thời tiết biên cương lạnh giá, người La Hủ đã có nhà kiên cố để ở, có gạo để ăn. Chương trình 30A của Chính phủ hỗ trợ đồng bào La Hủ 10kg gạo/ khẩu/ tháng, còn BĐBP giúp dân 3 tháng gạo để ăn trong thời gian chuyển về nơi ở mới, mỗi người là 45kg. Một ngày không xa, trên vùng đất mới, cuộc sống của đồng bào sẽ đổi mới một cách bền vững vì được tổ công tác cắm bản của BĐBP hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, mở rộng diện tích canh tác, “xua đuổi” những hủ tục lạc hậu, nâng cao nhận thức của bà con. Đường dân sinh được mở ra tới trung tâm xã, thuận lợi cho việc đi lại, mua bán và nhiều hoạt động khác. Bệnh tật ốm đau, bà con được y sĩ biên phòng khám, cấp phát thuốc miễn phí, không còn mê tín cúng bái. Trường lớp được xây dựng, trẻ em được đi học cái chữ, không còn lạ lẫm với chiếc bút và quyển vở nữa. Những mầm non tương lai như hứa hẹn sức sống mới trên mảnh đất một thời chìm vào trong nghèo đói...

Trần Văn Hoàng (Nguồn: baobienphong - Số 48/2009) [TT: H.T.N]